Hotline hỗ trợ0936.122.150
Tầng 14 tòa nhà Thăng Long, 98A Nguy Như Kon Tum, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội

Cán bộ nhân viên Sankosha Việt Nam tham quan nhà máy thủy điện Hòa Bình

28/10/20221964 Lượt xem
Trên tinh thần khuyến khích cho cán bộ công nhân viên tìm hiểu, nâng cao kiến thức về lĩnh vực trọng điểm của công ty – chống sét, tiếp địa cho các công trình thủy điện, ngày 15/10/2022 vừa qua, Ban lãnh đạo công ty TNHH Sankosha Việt Nam đã tổ chức chương trình tham quan thực tế, tập huấn tại nhà máy thủy điện Hòa Bình.

Tập thể cán bộ nhân viên Sankosha Việt Nam chụp lưu niệm tại đập thủy điện Hòa Bình

Công trình thủy điện Hoà Bình có công suất lớn nhất Đông Nam Á thế kỷ 20, có bốn nhiệm vụ, trong đó điều tiết chống lũ đảm bảo an toàn cho Thủ đô Hà Nội, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và cung cấp điện được cho là trọng yếu. Công trình do Liên Xô thiết kế và cung cấp thiết bị, khởi công xây dựng 06/11/1979, khánh thành 20/12/1994. Đập dâng nước được áp dụng phương pháp màn chống thấm (đập đất đá lõi sét) chiều dài 734 m, chiều cao 128 m, chịu cột nước chênh lệch thượng, hạ lưu 102m. Để xây dựng đập, công nhân phải tiến hành hai lần ngăn sông. Đợt 1 vào 12/1/1983 và đợt 2 vào 9/1/1986.

Phần thân của nhà máy nằm ngầm trong lòng đất. Để chống động đất và thấm nứt, các chuyên gia Liên Xô đã áp dụng kinh nghiệm xây đập thuỷ điện Aswan trên sông Nile (Ai Cập), bằng cách sử dụng kỹ thuật khoan phun xi măng và khoan phụt. Các loại vữa sét được phụt vào nền cát, cuội sỏi nằm trong lòng sông, tiếp đó, khoan vào nền đá và phun xi măng vào toàn bộ các lỗ khoan trong đá để tạo kết dính. Phương pháp này được tính toán vì vùng Tây Bắc có những cơn địa chấn lên đến cấp 8; sự chênh lệch lưu lượng nước giữa mùa khô và mùa lũ lớn, năm 1971 ghi nhận lưu lượng mùa khô 600 m3/s còn mùa lũ lên đến 14.800 m3/s.

Đập xả tràn có 12 cửa xả đáy và 6 cửa xả mặt với năng lực xả tối đa 35.400m3/s. Hồ chứa nước có dung tích 9,8 tỷ m3 nước. Tại cửa xả lũ được xây những trụ bê tông hình kim tự tháp để giảm vận tốc của nước khi xả. Lực lượng tham gia công trình gồm: 30.000 cán bộ công nhân, 5.000 chiến sỹ, 750 chuyên gia Liên Xô, 1.000 cán bộ ban quản lý công trình.

Hầm thân đập dẫn vào bên trong nhà máy được lát đá, nếu đi từ cổng chính vào có chiều dài khoảng hơn 300 mét. Nơi đây có nhiều phòng chức năng nằm sâu trong lòng đất. Nhà máy đặt ngầm trong lòng một quả đồi là nơi lắp đặt toàn bộ thiết bị chính, gồm 8 tổ máy phát điện, máy biến áp cường lực… cùng các công trình phụ trợ. Tám tổ máy tổng công suất 1.920 MW, mỗi tổ có công suất 240 MW.

Mỗi tua bin khi hoạt động, bên cạnh sẽ có các tủ điện chức năng để kiểm soát lượng điện. Vào 14 giờ 10 phút ngày 24/12/1988, tổ máy đầu tiên của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình phát điện lên hệ thống, báo hiệu một thời khắc lịch sử của đất nước và ngành Điện lực Việt Nam. Đến ngày 4/4/1994, tổ máy cuối cùng – tổ máy thứ 8 phát điện lên lưới. Hoạt động chính của nhà máy vẫn được thao tác trên phần mềm chuyên dụng được các kỹ sư quản lý và theo dõi nghiêm ngặt. Thời kỳ đầu vận hành, điện sản xuất từ nhà máy chiếm khoảng 40 % toàn hệ thống. Cho đến nay nhà máy thủy điện Hòa Bình vẫn là một phần quan trọng không thể thiếu trong huyết mạch lưới điện quốc gia.

Đi bộ vào con đường hầm to, rộng và sạch sẽ với lung linh ánh đèn tôi thật sự thấy ngỡ ngàng khâm phục tinh thần và sự nỗ lực của toàn thể cán bộ công nhân cùng xây dựng nhà máy này. Để có được gần 20km đường hầm khang trang, thông suốt giữa khu vận hành và các tổ máy với chỉ những mũi khoan đá thông thường, bao nhiêu con người đã ngày đêm lao động và cống hiến.
Tiến sâu vào đường hầm, đoàn được các hướng dẫn viên và các kĩ sư đang trực ở đây dẫn đi tham quan các tổ máy, các phòng trực và khu đặt các tuabin. Toàn bộ hệ thống nhà máy được điều hành bởi phòng điều hành trung tâm dưới sự quản lý của hai cán bộ kỹ thuật trực tại phòng.

            

Tủ điều khiển


Tổ máy số 1

Tua bin

Khu vực điều khiển trung tâm

Rời khu lắp đặt các tổ máy, đoàn lên xe di chuyển đến đập chính hồ thủy điện. Tại đây, các cán bộ công nhân viên được ngắm nhìn toàn cảnh hồ và hệ thống vận hành tràn, cửa xả lũ. 

Con đập chuyển thế năng của nước thành điện năng thông qua các tua bin. Nhưng nó còn vô cùng ý nghĩa tới nền nông nghiệp nước ta, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Hồng. Nó chặn ngang dòng sông Đà, do vậy ngăn lũ lụt, thiên tai xảy ra với các tỉnh đồng bằng  bắc bô trong đó có thủ độ Hà Nội. Mặt khác, việc tích trữ nước và xả có kế hoạch vào thời điểm tưới tiêu, con đập này đã mang lại lợi ích to lớn trong nền nông nghiệp Việt Nam và các ngành kinh tế khác. Năm 1960 trong một lần di chuyển bằng thuyền trên sông Đà, bác đã chỉ tay xuống dòng sông và nói: “Phải biến thủy tặc thành thủy lợi. Mục đích cuối cùng phải chinh phục dòng sông có lợi ích lâu dài cho toàn dân”. Điều trăn trở, mong muốn của Bác đã thành hiện thực. Ngày 09/01/1986 chúng ta đã chính thức ngăn được dòng chảy sông Đà lần hai để bắt đầu xây dựng đập

        


Cửa xả nước
        
Công ty thủy điện Hòa Bình

Trên đường về, đoàn ghé thăm Bảo tàng thủy điện Hòa Bình. Nơi đây lưu giữ các kỷ vật về quá trình xây dựng, phát triển của thủy điện Hòa Bình, và là nơi đặt “Bức thư thế kỉ”. Năm 2100 bức thư trong khối bê tông nặng hơn 10 tấn sẽ được mở ra. Nội dung không phải là điều gì bí mật, nhưng ý tưởng này đã làm cho bức thư trở nên thiêng liêng. Những con số trong đó sẽ là kì tích, những con người trong đó, trong công cuộc xây dựng công trình thủy điện thế kỉ này sẽ là kì nhân. Sự cống hiến và hy sinh của thế hệ cha anh nơi đây sẽ được con cháu thế hệ sau đời đời nhớ tới. 168 con người đã vĩnh viễn vùi xương trong lòng núi, dưới đáy sông. Sự mất mát này không có gì bù đắp được. Nhưng tin rằng họ sẽ mỉm cười vì không những họ đã để lại cho người, cho đời một công trình vĩ đại mà công trình ấy còn đang phát triển không ngừng, đóng góp lớn lao cho nước nhà.
 

Phòng truyền thống nhà máy thủy điện Hòa Bình

Phòng truyền thống nhà máy thủy điện Hòa Bình

Phòng truyền thống nhà máy thủy điện Hòa Bình